Truyện Ngắn

Truyện ngắn: Những góc riêng của bao người

mưa sài gòn

Tôi tình cờ gặp lại Huy trong một dịp đi ăn đám cưới của một người bạn. Huy là một người bạn rất thân của tôi từ hồi còn… bập bẹ tập viết chữ. Bởi lẽ, nó ở cùng xóm với tôi. Hiện nó đang làm phục vụ cho nhà hàng này, là nhân viên chính thức hay chỉ là part time như những sinh viên làm việc thời vụ kiếm thêm thu nhập thì tôi cũng không rõ.

Tôi cứ nghĩ là sẽ không gặp lại được Huy bởi nghe rằng ba má nó sau khi ly dị thì nó về ở má và ngoại nó ở Bình Dương. Tuy cũng gần nhưng tôi cũng không biết chính xác là nó ở đâu ở cái tỉnh đang phát triển kinh tế nhanh như vũ bão này. Thế nhưng khuôn mặt tròn tròn, mập mập và luôn để đầu đinh với vết sẹo trên cánh tay trái trong một lần đi phá làng phá xóm bị kẽm gai đâm vào và xước một đường dài thì không lẫn vào đâu được.

đám cưới

(Ảnh: thomasw)

 “Ê! Huy, đang làm gì ở đây vậy? Biết tao là ai không? – Tôi gọi với khi thấy nó đang đứng ở góc tường với ánh mắt dáo dác nhìn quanh.

“Mắt đui hay sao không thấy còn hỏi ba? Mày là thằng Hoàng chứ gì. Chuyện! Haha” – nó cười hô hố với vẻ mặt đắc thắng.

Mặc dù rất ngạc nhiên khi nó không tỏ vẻ bất ngờ và định “chơi” nó lại vì tôi biết nó là một thằng rất khôn lanh và đáo để: “Hoàng nào? Lộn số rồi, bạn bè mà vậy là xong rồi.”, nhưng một phần tôi biết là tôi vẫn thua nó một bậc, thậm chí là nhiều bậc ở cái khoản tinh ranh và đầy tinh tế.

“Chậc” – tôi tặc lưỡi, cố tỏ vẻ bình tĩnh. “Hà hà! Tưởng quên tao rồi chứ, mày đã làm ở đây lâu chưa?” – rồi nói tiếp.

Vì quá ồn áo với không khí của bữa tiệc nên thằng Huy phải đi lại gần tôi một chút để nói. Và tôi, cũng ngồi có khoảng cách so với những người cùng bàn để cuộc nói chuyện không có ai nghe thấy.

“Sao? Cơn gió nào đưa mày đến đây, giả bộ hoài haha” – nó hếch mặt và nói to. “Thắc mắc sao tao nhận ra mày chứ gì?. Có gì đâu, mày vẫn vậy, chẳng có gì khác so với hồi đó. Tao thấy mày từ lúc mày mới bước vô đây rồi, và chỉ kịp để ý xem mày ngồi bàn nào thôi. Cũng có hơi bất ngờ nhưng trái đất tròn mà. Tao làm ở đây cũng nửa năm rồi. Mày thấy đó, chạy quần quật, đồ ăn đồ uống mang ra mang vô liên tục. Gặp mấy bàn có mấy thằng cha bợm nhậu còn oải nữa, khui bia không kịp cho mấy ổng nốc. Bù cái thỉnh thoảng được boa vài ve và khi nào có tiệc thì mới đi thôi, mấy ngày rảnh ở nhà chẳng biết làm gì, tính kiếm cái gì làm thêm”

Vậy là chỉ trong một câu nói không đầy ba mươi giây, nó đã giải đáp hết mọi thắc mắc của tôi. Huy giựt vội miếng giấy lót thức ăn trên phần bàn của tôi và lấy cây bút đang vắt trên túi áo, có lẽ là để ghi tên những món ăn hay đồ uống mà thực khách sẽ gọi khi cần, và viết vội số điện thoại của nó vào. “Thôi, tao phải làm việc rồi, ăn ngon miệng nhé. Đây, số tao, cuối tuần này rảnh, có gì gọi, nhậu xả láng sáng về sớm” nó nói và không quên dặn: “Giữ kỹ không chừng mất là hết cơ hội gặp lại đại ca xóm cũ nha con, haha”.

Tôi nghĩ bụng: “Mới mấy năm mà sao nó khùng vậy nhỉ?”. Nhưng tôi biết, biết vì sao nó bất cần như vậy. Vì nó đã chịu nhiều vết thương trong quá khứ. Cả cái sự giàu sang của nó mà cũng bị đem ra châm chọc hồi đi học. Tôi hiểu nó như anh em trong nhà, mặc dù nó không phải là em tôi và tôi thì cũng không có em.

Tôi gọi cho nó vào chiều thứ bảy, tức ba ngày sau buổi gặp mặt đầy “định mệnh” ở cái nhà hàng cũng gọi là có chút tiếng tăm ở cái thành phố này. Nó bắt máy, vừa nghe tôi “Alô, Huy…” là nhảy ngay vào miệng tôi, “Quán nào, ở đâu, mấy giờ?”.

Tôi hẹn nó bốn giờ ở quán Cây Khế trên đường Phan Xích Long. Quán này bán bò lá lốt rất ngon và con đường này vốn dĩ mười năm trước cũng rất nổi tiếng với cái món ăn đầy hấp dẫn, nghe tên là muốn đi ăn ngay này. Nó mặc áo thun, quần lửng, mang Dr. Tôi thì vẫn trung thành với quần jeans, áo kaki.

Tôi chìa cái tờ thực đơn ra trước mặt Huy và kêu nó gọi gì thì gọi đi. “Chị cho em nửa két bia Sài Gòn Đỏ, hai đĩa bò, hai xấp bánh tráng và chén đậu phộng rang. À! bò cho càng nhiều càng tốt nha chị” – Chẳng khách sáo, cù nhây, dòng dài mất thời gian như những đứa anh hùng rơm tỏ vẻ lịch sự mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trong những cuộc chơi mà người ta gọi đó là “bè thì nhiều mà bạn thì chẳng có bao nhiêu”, nó giơ tay vẫy chị nhân viên lại và nói.

Nó quay qua nhìn tôi, rồi tằng hắng một tiếng.

“Hèm! Bần tăng gọi thí chủ ra đây hay chăng có điều chi thỉnh giáo?”

“Mày coi bộ yêu đời quá nhỉ, lâu rồi không gặp, phải mày ra Bình Dương không? Tao nghe nói thế.”

“À! Đúng là có ra đó. Sau khi tao về ở với ngoại ở Bình Dương như mày đã biết, thì ngoại tao qua đời. Trước khi đi, ngoại căn dặn tao đủ điều, tao chỉ nhớ mãi một câu, ba má mày bỏ mày ra đi đã đành, đã thế còn không coi tình mẫu tử với tao ra gì. Tao thật vô phước. Vì vậy, mày hãy ráng mà sống cho trọn tình trọn nghĩa ở đời để ngoại còn an lòng mà nhắm mắt con ạ.“

Nó thở một hơi dài rồi nói tiếp.

“Trước đó, ngoại bán hết miếng đất, tuy không được bao nhiêu, nhưng có di chúc để lại ba mươi phần trăm số tiền bán đất cho Hội chữ thập đỏ, bốn mươi phần trăm ngoại cho tao rồi nói ráng dành dụm, tích góp, tu chí làm ăn. Phần còn lại ngoại nói tao cầm ra gửi cho cô tao ở Đà Nẵng và ở ngoài đấy với cổ, đồng thời cũng phụ trông coi cửa hàng thời trang luôn. Công việc chính của cô tao là làm kế toán cho một công ty nhà nước, lương cũng không đến nỗi, thỉnh thoảng trúng mánh. Tiệm này mở thêm thôi, nhưng mà ế rệ, chả ai vào. Đã vậy ai vào cũng khen đểu tao. Chà! thanh niên trai tráng mà đi mở cửa hàng thời trang cho phụ nữ, chắc kinh nghiệm lắm đây?”

“Thì có gì đâu?” – tôi ngắt lời.

“Ừ! Thì đúng là cũng không có chuyện gì lớn lao, nhưng ngặt nỗi có nhiều người nhờ tao tư vấn này nọ, tao có biết gì đâu. Lúc trước còn có con nhỏ nhân viên cô tao tuyển vào, rồi một thời gian nó xin nghỉ, vì làm ở đây chán quá, rồi tao cũng bắn theo nó luôn. Phải chi giờ còn còn ở Bình Dương, tao đi rải đinh là giàu to rồi. Nghe dưới đó đang rầm rộ phong trào rải đinh để vá xe với giá cắt cổ” – nó cười ha hả.

“Sai rồi, phải chi ngoại mày đừng bán đất thì giờ mày giàu to chứ đâu làm cái trò giết người không chớp mắt như vậy. Haha. Mà mày phiêu bạt giang hồ quá nhỉ. Rồi, sao lại vào đây?

“Nhớ mày nên vào đó trai?”

“Cái thằng đạo đức giả.”

Rồi hai thằng nhìn nhau cười thật rôm rả.

“Thôi, dzôôô trăm phần trăm đi!” – nó nói, miệng vẫn còn chưa dứt cơn… cười.

CỐC.. Tiếng cụng ly chan chát như muốn át cả cơn mưa trái mùa.

Ngày trước, gia đình Huy mang tiếng là giàu có trong xóm. Cái thời còn nhỏ xíu, tụi nhỏ chúng tôi thèm thuồng những món đồ chơi đầy màu sắc mà không có tiền mua. Bởi ba má chỉ cho có đủ tiền ăn sáng, thì Huy đã được má nó sắm cho một chiếc xe đạp ba bánh mini khá đắt tiền. Rồi khi những bộ phim truyền hình TVB do Fafilm Vietnam dịch và lồng tiếng phát hành, thì ba nó mướn về cả bộ.

Tối đến, nhà nó như mở hội khi đón tiếp những “vị khách không mời” đến xem “chùa”. Cái tivi nhỏ xíu 14 inches mà bao nhiêu cặp mắt dán vào. Hết “Anh Hùng Xạ Điêu”, “Thiên Long Bát Bộ”, rồi lại đến “Tuyết Sơn Phi Hồ”. Cứ như phổ cập tác phẩm Kim Dung đến bà con lối xóm. Bỗng nhắc lại chuyện đó với Huy, nó cười khì khì. mới đây đã gần mười lăm năm.

tuyết sơn phi hồ tvb 1999

(Ảnh: The Movie DB)

Nhưng rồi cứ như một cái nghiệt, gia đình nó làm ăn phá sản, phải bán nhà, bán đất để trả nợ. Ba má cũng ly dị, nó về ở với ngoại, và trôi dạt xuống tận Bình Dương. Gặp tôi, nó không kể ba nó dạo này thế nào, mà cũng không biết nó có biết ba nó ở đâu không, khi mà hồi ấy ổng như rơi vào trạng thái cùng cực, túng quẫn khi bị bao nhiêu người tới đòi nợ và bỏ nhà đi biệt xứ. Lúc ấy, nó còn nhỏ, nó không có khả năng để giúp ba nó, nó cũng không thể níu kéo và nói với ba nó dù chỉ một câu vô tư và hồn nhiên: “Ba ơi, hãy ở lại với má con con, chờ ngày con lớn đi làm con sẽ trả nợ cho ba má.”.

Biết đâu, ba nó nghe xong sẽ suy nghĩ lại. Nhưng từ đó, nó mất ba. Và cũng từ lúc đó, nó mất luôn má, khi bà đi thêm bước nữa, sau chỉ một thời gian về ở với ngoại và nó.

Những người trong xóm thấy hoàn cảnh gia đình nó vậy nhưng không mấy ai tỏ ra thương cảm, bởi họ nghĩ đó cũng là quả báo do má nó hồi trước hay phân biệt và khinh bỉ với những người bán dạo ban đêm. Thậm chí, có lần bả còn nói sốc một câu thẳng thừng: “Khuya rồi, không về nhà ngủ, mà bán buôn rao hò cái gì, ồn ào quá”.

(Ảnh: John Lee)

Nhắc lại, nó cũng chẳng lấy làm buồn. Dù tôi biết, nó buồn lắm, nên an ủi nó, mày yên tâm, cuộc sống không bạc đãi ai. Trước đây, mỗi lần về lại xóm, nghe kể nó cứ đứng nhìn tần ngần mãi cái nhà đã bán cho người khác. Nghĩ cũng thương cho nó. Nó kể với tôi là đã làm qua rất nhiều nghề, mà nói ra thì toàn là những nghề thấp kém thôi. Hỏi nó thì nó trả lời chẳng chút ngần ngại, sửa xe, soát vé xe buýt thôi mà.

“Vậy có gì đâu mà thấp kém?”

“Thì vẫn có nhiều người cho đó là nghề thấp kém.” – nó chống chế.

Vậy bản lĩnh mày quăng đâu rồi? Thằng dở hơi.

Tôi chặc lưỡi, lắc đầu, giả bộ tiếc rẻ. Nó im luôn. Tôi cười khà khà. Đùa mày thôi, mày có chí như vậy tao cũng rất phục mày, ở hoàn cảnh của mày chắc gì tao đã đứng vững được như mày?

“Dzooô nào” – lần này tới lượt tôi xung phong.

Rồi chúng tôi, nhắc lại chuyện mấy đứa bạn cùng xóm cũng có hoàn cảnh cũng khó khăn như thằng Huy. Tôi may mắn vẫn trụ lại ở đây nên nắm được tình hình nhiều nhất và kể lại cho nó nghe. Nào là nhỏ Loan sau khi bán nhà thì lên tận Đồng Nai. Một năm nó chỉ về thành phố có một hai lần do phải cày để nuôi bốn chị em nó đang tuổi ăn học, khi mà mà ba má nó đã lớn tuổi và không làm được nhiều việc nặng nhọc nữa và chỉ ở nhà lo việc nhà rồi cơm nước.

Rồi thằng Bi, nổi tiếng quậy nhất xóm, vậy mà bây giờ chững chạc hẳn ra. Hôm rồi, nó về lại xóm, dắt theo em nào, cũng nói một câu y như mày, về thăm tao, chả biết thật đùa, mà lòng thấy mát rượi, dù tao biết nó có “em út” rồi, haha.

“Cái thằng… haha, rồi sao nữa… ” – nó ngắt lời

“…. nhỏ Trâm thì làm phục vụ quán cà phê ở Thủ Đức, nhưng chẳng biết là khúc nào, chắc là khu làng Đại Học. Thằng Phương theo gia đình nó về quê nối nghiệp nghề “tôm cá gia truyền” mà ông nội nó để lại, còn nhỏ Thúy cùng với em gái nó theo má vào mấy xí nghiệp ở khu công nghiệp Tân Bình làm công nhân may.

Nói luyên thuyên một hồi, bỗng thằng Huy đánh mạnh vào lưng tôi một cú đau điếng, còn mày sao, đánh trống lảng hả mày?

– Tao .. ờ, tao thì..

– Mày sao? – nó quát

– Ừ, thì cũng bình thường như mày vậy thôi.

– Bình thường là bình thường thế nào?

– Thì là bình thường, chứ bình thường cũng có nhiều loại bình thường hả?

– Trờiiii!

– Trời trăng gì đây. Mày giỡn được tao giỡn không được à?

– Đểu cáng. Haha.

– Thật ra mày biết rồi còn gì, tao may mắn là vẫn ở đây. Học hành đàng hoàng, nhưng nghề nghiệp long bong. Trai gái phức tạp nhưng gia đình hạnh phúc, được phường cấp giấy chứng nhận gia đình văn hóa ba bốn năm liền đó mày.”

– “Trời! Nổi da gà” – thằng Huy miệng vừa nhai nhóp nhép miếng bò vừa lấy tay chỉ lên phần da trên cánh tay đang… đúng là nổi da gà của nó thiệt.

“Thôi dzô mày. Mày vậy là tốt rồi, tao cũng chẳng ganh tị với mày đâu, mừng cho mày nữa là khác.”

“Ừ! Trăm phần…. ba.” – tôi giả bộ lắp bắp, mắt lim dim, thở một hơi thật sâu cho ra điệu bộ của kẻ lãng du ca tử đang thất tình ngồi nốc rượu ở một quán bar sành điệu.

“Gì?” – nó há hốc.

“À! quên… trăm phần trăm”

“Haha! Mấy giờ rồi? Tỉnh chưa? Số mấy đây?” – nó lấy ngón cái và ngón út chụm lại và giơ ra số ba quơ qua quơ lại trước mặt tôi.

“Nhanh lắm. Hô hô. Dẹp ba ngón tay què mày vô đi.”

mưa sài gòn

Ngoài trời, mưa đã tạnh! Nửa két bia rồi cũng dần vơi hết. Thật ra, tôi cũng cảm thấy bắt đầu lừ đừ. Rồi chúng tôi lại cười nhau nhắc nhớ cái thời xưa ấy. Thời Sài Gòn chả xô bồ như bây giờ. Khu vui chơi công cộng dành cho trẻ em ngày đó cũng có nhiều, ngay bến Bạch Đằng cũng có một vườn cho bọn trẻ như chúng tôi thỏa sức “lăn lê bò lết” với đủ trò xích đu, cầu tuột, đu quay. Bọn trẻ khác thì chạy long nhong chơi đuổi bắt ngoài đường mà không sợ bị xe tông. Đúng ra là cũng có xe nhưng mà hồi đấy còn thưa thớt, nên ba mẹ chúng dễ quản lý. Còn bây giờ, chắc là không dám rời nửa bước

Cà rem kẹo kéo cũng chẳng cần mời chào, chỉ cần nghe tiếng nhạc là bọn trẻ bu lại như kiến. Bây giờ giá cả lên, đời sống lên và nhu cầu cũng lên, những người bán cà rem kẹo kéo cũng ít bán được như trước. Đô thị hóa, xây chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại v..v nên bọn trẻ cũng không còn nhiều sân chơi nữa.

Nhớ những con đường như Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng mà bọn nhóc chúng tôi ngày nào đã từng có những ngày tháng ăn bờ ngủ bụi, long bong nay đây mai đó bằng đôi chân trần mà khi đó chúng tôi gọi là đi “khám phá đường mới”.

Hè đến thì chơi đá banh, đuổi bắt, năm mười, tạt lon, đá cầu, bắn bi. Kể cả cái trò nhảy dây của tụi con gái mà tôi với thằng Huy cũng “bon chen” xin chơi và xếp sòng lúc ấy, chỉ thua tụi nó ở cái khoản “nhảy móc”, nghe thật là phức tạp, bởi chân thằng nào cũng bự như voi nên chả bao giờ tách hai sợi dây ra được.

Trưa nắng thì rúc vào gốc cây phượng, cử một thằng trèo lên hái mấy cành phượng xuống chơi đá gà. Và cũng không quên hù nó rằng, nghe đâu hồi đó trên gốc cây có bà kia treo cổ chết đó mày. May thay đó là thằng Bo, một thằng quê miền Tây lên, vốn đã nghe kể đến nhàm chán những chuyện tào lao thế này.

Chiều chiều có thể cả đám tan rã để tối đến bùng nổ mãnh liệt hơn. Thời gian ấy thật tuyệt vời như Nguyễn Ngọc Tư đã từng nói trong tập truyện nguyện mới nhất của chị: “Tôi không tin là có thiên đường nào đẹp hơn những ngày hè trẻ dại”. Mải lo nói chuyện, chúng tôi không biết rằng, mặt trời đã nhường chỗ cho bóng đêm tự khi nào.

Nói tới đây, thằng Huy bỗng khơi lại cái quá khứ hào hùng của thằng Bi. Nó cầm và nốc ực hết một chai bia như lấy tinh thần để kể. Số là hôm đó mát trời, nó rủ nguyên đám lên Hồ Con Rùa chơi, bắt nòng nọc ở cái hồ tròn quay như Mèo Ú Doraemon biết bay này. Hồi trước thì nhiều vô kể giờ còn không thì tôi không biết, và còn nghe đâu là sắp bị tuyệt chủng vì ô nhiễm môi trường.

hồ con rùa

(Ảnh: Irish83)

Thằng Bi thấy thằng Tiến là cái thằng hớn hở nhất trong phi vụ mần ăn “vớt nòng nọc” này nên dụ khị nó ra chỗ có nhiều nòng nọc, và hí hoáy kêu nó vớt cho tụi này càng nhiều càng tốt mang về thả cho cá ăn. Trong lúc thằng nhỏ đang hí hửng với trò chơi dân gian đầy thi vị này thì thằng Bi rỏ vào tai tụi tôi, nói khẽ nhưng đầy nham hiểm: “Ê! Tụi bây, bỏ nó lại, tụi mình đi về đi hehe”.

Cứ tưởng lời nói chơi ấy như gió thoảng qua tai vậy mà nhóm chúng tôi lại nhiệt tình hưởng ứng, và dĩ nhiên là cũng có tôi trong đó. Kết quả, là ngày hôm đó gần tối mịt thằng Tiến mới về được đến nhà (làm sao nó về được thì thật tình tụi tôi cũng chả quan tâm vì đang bận quan tâm… sắp bị nghe chửi). Khóc hu hu như vừa bị ba nó tét đít. Vừa khóc vừa vạch tội tụi tôi với má nó nghe. Rồi má nỏ rủa tụi tôi một trận xa xả.

“Tụi bây lớn rồi mà chơi ngu quá vậy. Rồi nó bị bắt cóc rồi làm sao? sao tụi bây chơi ngu thế. May là nó còn nguyên vẹn chứ không là tao lôi cả nhà ba má chúng mày lên nói chuyện phải trái. Rồi ba má chúng mày có đẻ được thằng con khác cho tao không?. Biến hết cho tao. Đúng là lớn rồi mà chơi ngu như bò” – chửi ra rả một tăng xong thì má thằng Tiến khoác vai nó dẫn nó vào nhà tắm rửa thay quần áo, và cũng không quên dặn dò nó lần sau không được đi chơi với đám tụi tôi nữa.

Cả đám câm như hến, rồi ai về nhà nấy. Mặt xụ xuống như vừa lụm được cục vàng thì quay qua quay lại, tự nhiên cục vàng biến thành cục đá. Nhưng tôi và thằng Huy cũng đồng tình rằng thật tình lúc đó chẳng hiểu sao có cái câu “lớn rồi mà chơi ngu” mà má thằng Tiến cứ nhắc lại hoài, vì thật ra tụi tôi mới có chín tuổi, làm sao mà biết ý thức được?. Còn nhỏ chán, chỉ có điều chơi ngu thôi. Ý là, nhỏ mà chơi ngu. Hai thằng lại cười lăn cười bò.

Còn nhiều chuyện mà chắc kể ra không biết bao giờ mới nói hết. Nay thành phố đã đổi thay, những người chúng tôi cũng đổi thay. Chắc chắn là vậy rồi, nhưng sao bỗng nhiên tôi thấy nhớ thật nhiều những người bạn thuở nhỏ của tôi. Tôi không có điều kiện để gặp lại họ, chỉ nghe những anh chị, cô chú còn liên lạc với gia đình họ kể lại.

Họ là một phần của tuổi thơ tôi, là hàng xóm của tôi, cùng tôi vui đùa trong những ngày hè nắng dịu và những cơn mưa bất chợt. Cuộc sống đã mang họ đến nhưng rồi cũng đã mang họ đi. Tôi nghĩ một lúc rồi thờ người ra. Rời quán chia tay thằng Huy tôi mới nhận ra là quán chỉ còn lại hai chúng tôi, vậy mà người chủ vẫn không đuổi chúng tôi về để đóng cửa. Chắc có lẽ, họ cũng hiểu được tâm trạng của những người bạn lâu ngày không gặp luôn vốn có những tâm sự đã chất đầy theo năm tháng.

đêm sài gòn

Trời đã khuya lắm rồi, tôi lái xe về dưới những ánh đèn đường mờ mờ ảo ảo. Đi qua góc ngã ba mà ngày nào nó là một cửa hàng áo cưới tấp nập người ra vào, nhưng giờ đã đóng cửa và chẳng thấy cho thuê hay sang nhượng lại mặt bằng. Chợt tôi nhìn thấy một cô gái dáng người mảnh khảnh đứng dưới cột đèn và thu mình bên góc cây ven đường với vẻ mặt dáo dác. Nếu tôi không say và nhìn không lầm, thì đó là Ánh, một người bạn cũng khá thân mà tôi quen khi học chung tiểu học. Nhưng có lẽ là tôi say. Ừ! Chắc thế. Tôi rồ ga phóng đi bỏ lại sau lưng cô gái và thành phố với những góc riêng của bao người.

Sài Gòn
Tháng 3/2011

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error:
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x