Mỗi con đường, dù ở nơi đâu, trong mỗi người sẽ đều có những kỷ niệm và những cảm xúc. Có những con đường trên Sài Gòn, bạn cảm thấy bình yên như: Mạc Đỉnh Chi, Pasteur, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu, Phùng Khắc Khoan v..v. Cũng có những con đường nhộn nhịp như Nguyễn Trãi, Bùi Viện, v..v và những con đường đầy lá me bay như Nguyễn Trung Trực, Phạm Ngọc Thạch, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, Nguyễn Thị Minh Khai, v…v Thế nhưng, con đường chứa đựng trong mình nhiều cảm xúc khi chạy ngang qua thì là một con đường mang tên: Hai Bà Trưng.
Quang cảnh con đường này không hẳn là đẹp, và nhộn nhịp cũng không phải, quán ăn vỉa hè thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sáng chiều thì vẫn thường kẹt xe và mỗi người chen nhau bên đường phố, nhưng có lẽ mình thích. Theo những sách Sử ghi lại thì con đường Hai Bà Trưng là một trong số ít những con đường ở Sài Gòn không bị đổi tên sau 1975.
Đầu tiên phải kể đến quán bình dân vỉa hè mà ba mình đã bỏ mối cà phê từ hơn hai mươi năm trước. Quán nằm ngay ngã ba Hai Bà Trưng – Trần Quốc Toản, kế bên bệnh viện quận 1. Ngày còn đi học cấp 1, cấp 2, lúc rảnh, mình cũng đi theo ba bỏ mối ở những quán cà phê trong thành phố. Trước đó, đỉnh điểm vào những năm đầu 90, ba mình kể lại có gần ba mươi quán cà phê là mối trung thành của ba mình.
Đa số chỉ là những quán nhỏ lẻ, nhưng vì nó mà giờ đây mình mới lại có thêm một tình yêu là cà phê. Một thời gian dài, vào trong quán, hoặc vỉa hè, mình chỉ uống cà phê đen. Sau này, vì nhiều lý do khác nhau như phá sản, sang quán, đổi chủ, chuyển sanh kinh doanh mặt hàng khác v..v mà một số quán không còn lấy cà phê của ba mình nữa. Và quán bình dân nho nhỏ kế bên bệnh viện Quận 1 này, bây giờ là một trong những mối trung thành còn lấy cà phê của ba mình đến bây giờ.
(Ảnh: Zing)
Đi lên một chút, bạn sẽ thấy nhà thờ Tân Định, gần đây, nhà thờ đã sơn lại màu hồng nhìn khá “dễ thương”. Đối diện là tiệm bán đồ chơi LEGO. Lúc nhỏ, mình có được ba mẹ tặng cho một món đồ chơi trong LEGO. Giá “những viên gạch” của LEGO tình hình là hơi cao một chút so với mặt bằng chung, nhưng đẳng cấp là không bàn cãi.
(Ảnh: fortytwo)
Trước khi dời về nhà bán cà phê, ba mình đã từng có một thời gian bán cà phê ở đây. Chỉ là một cái quầy nho nhỏ dựng giữa hai căn nhà. Lúc ba mình bán ở đây, thì LEGO chưa mở ra ở mặt bằng này. Thời gian này là quãng thời gian bán “chui”, vì lúc đấy, còn bao cấp nên nhà nước chưa cấp phép kinh doanh. Nên tạm gọi là “ăn nên làm ra”, và cũng vì “ăn nên làm ra” nên bị người ta đuổi. Cũng chẳng trách ai được, nên ba mình dời về bán ở nhà.
(Ảnh: hanannu2003)
Lại chia sẻ thêm một chút về công viên Lê Văn Tám cách đó vài bước chân. Hồi bé, cậu mình hay chở mình vào đây chơi xích đu, cầu tuột. Lớn hơn chút, mình cũng tập chạy xe đạp trong đây và lớn hơn chút nữa, công viên là nơi quen thuộc của mấy đứa nhóc như mình khi có độ đá banh. Và cũng trong công viên này, để lại trên người mình, nhiều vết sẹo.
Với PT2000 ngay góc ngã tư Hai Bà Trưng – Nguyễn Thị Minh Khai lại là một cửa hàng thời trang cũng khá quy mô. Những năm đầu 2000, khi PT2000 bắt đầu đang buôn bán, thì mỗi khi mua quần jeans, mẹ mình lại dẫn mình vào đây mua. Lúc đó, mình không rõ về kiểu dáng, mẹ mình chọn, mình mặc vừa là mẹ mua. Sáu bảy năm gần đây thì mình không còn mua bên PT2000 nữa. Thời điểm đó trở về sau thì shop online đang phát triển, nên đôi khi, xem qua, nếu cảm thấy ổn thì mình sẽ đến shop mặc thử, nếu được thì sẽ mua luôn, PT2000 mình cho vào quá khứ.
Tiếp theo là Bệnh viện Nhi Đồng 2. Bệnh viện có cổng chính nằm trên mặt tiền đường Lý Tự Trọng nhưng cũng có một thời gian mình nằm ở giường bệnh hướng ra phía đường Hai Bà Trưng. Nhưng nhỏ quá, chỉ vài ba tuổi, nên mình cũng không nhớ quãng thời gian này nó đẹp xấu như thế nào. Nhìn ra thì chỉ thấy cây cối um xùm và tưởng tượng như mình đang đậu trên cây như một con chim.
Ngoài lề, Bệnh Viện Nhi Đồng 2 được người Pháp xây dựng hơn 100 năm trước, nhưng phía bên ngoài, vẫn không thay đổi. Nhìn sơ qua, mọi người sẽ tưởng, trong đó có mình, thời đại này mà không tu sửa, nhìn có vẻ cũ kỹ quá. Nhưng nhiều nhà kiến trúc sư đã nói, nơi này là một công trình có kiến trúc lịch sử văn hóa, nên phải bảo tồn và giữ gìn nét đẹp cổ kính còn lưu giữ lại từ thời xưa, phía kiến trúc bên ngoài, chỉ cải tạo phía bên trong.
Quán kem Ý Goody là nơi kỷ niệm, mà ngày đầu tiên mình gặp một cô gái nhỏ xinh, rồi cả hai tìm hiểu và quen nhau. Vui vì có một cô bạn dễ thương, cứ cảm giác là mình vừa tìm thấy một niềm hạnh phúc, lâng lâng khó tả. Những lúc đưa cô về, mình chạy xe một mình trên con đường này sao thấy xa quá, lúc nãy cô bên mình, sao con đường lại thấy ngắn quá. Lần thứ hai gặp cô ấy, mình cũng hẹn quán kem này. Hôm đó, mưa rất lớn, mình không mang theo áo mưa. Lúc ấy, mình cũng không có điện thoại. không thể gọi cho cô ấy, vì mưa nên mình không đến được đúng giờ. Vì thế, mình chạy đi trong mưa, uớt sũng. Tới đón cô ấy, cũng là hết mưa, mình chở cô ấy đi, nhưng có lẽ là run quá, mình lái xe, vừa chạy vừa run run. Không biết có phải vì mình lạnh quá vì mắc mưa hay là vì đây là lần đầu tiên, mình đưa bạn gái đi chơi.
Bến Bạch Đằng là nơi cuối con đường, là chỗ quen thuộc mỗi khi mình cúp học ra đây với lũ bạn ngắm bờ sông và những đôi tình nhân “làm trò”. Thỉnh thoảng, mình kiếm anh chị nào bán nước vỉa hè, ghé qua và mua ủng hộ, ngẫm nghĩ những gì đã qua. Nói chung lại mỗi khi mình muốn lên trung tâm hoặc khi về nhà, chỉ có con đường Hai Bà Trưng là con đường đi nhanh nhất, không còn con đường khác gần hơn.
Tháng 11, 2012