Nam Phi – Mexico 1.1
Trận mở màn VCK World Cup 2010 giữa Nam Phi và Mexico đã chứng kiến một tính huống việt vị được coi là hi hữu kể từ khi FIFA thông qua bộ luật mới của mình vào năm 2005 (và dĩ nhiên là nó đã được áp dụng từ World Cup 2006, nhưng rất tiếc là ở kì World Cup ấy không có pha bóng nào như thế).
Theo đó, một cầu thủ không được coi là việt vị khi cầu thủ đó đứng trên 2 cầu thủ đối phương (kể cả thủ môn). Theo luật cũ thì bàn thắng của Vela là hợp lệ. Nhưng với luật việt vị mới này, thủ môn của Nam Phi đã lao lên bắt bóng và lúc này, Vela đã nhận bóng từ pha đá phạt góc của đồng đội ở tư thế việt vị vì anh này chỉ đứng trên một hậu vệ của Nam Phi.
Ở trận đấu này, các cầu thủ Nam Phi chỉ được điểm trung bình. Hiệp 1, họ liên tục phải chống đỡ với những đường lên bóng các cầu thủ bên phía Mexico, đáng tiếc là các tiền đạo bên phía đội bạn đã dứt điểm quá “vô duyên”. Đầu hiệp 2, Nam Phi bất ngờ có được bàn thắng dẫn trước từ pha chọt khe thông minh loại bỏ hết hàng hậu vệ Mexico của Dikgacoi cho Tshabalala, và anh này đã không từ bỏ cơ hội mở tỉ số bằng một bàn thắng tuyệt đẹp vào góc chết của khung thành. Sau bàn thua, Mexico vùng lên tấn công và họ cũng đã tìm được bàn gỡ hòa do công của Marquez
Pháp – Uruquay 0.0
Với đội tuyển Pháp, họ đã thể hiện một bộ mặt rệu rạc từ vòng bảng cho đến bây giờ. Chơi hơn người, cầm bóng cũng nhiều hơn Uruquay, dứt điểm thì hơn hẳn đối thủ nhưng Pháp vẫn không thể cụ thể hóa được tất cả những điều đó thành bàn thắng và còn chơi bế tắc trong phần lớn thời gian trận đấu.
Pháp thiếu một người cầm trịch khu trung tuyến và có khả năng triển khai tấn công. Với sơ đồ 4-3-3 với chỉ 3 tiền vệ, họ không phát huy được hết tác dụng của mình và thiếu người chạy cánh (tại sao không để cho Malouda đá cánh trái và Ribery đá cánh phải để hỗ trợ cho Anelka và Govou hoặc Henry phía trên).
Chưa hết, họ lại còn vấp phải một hàng tiền vệ 5 người của Uruquay. Henry vào sân thay cho Anelka ở 15 phút cuối trận, nhưng chừng ấy là không đủ để với kinh nghiệm của mình, anh ta có thể ghi bàn giúp cho đội nhà có được một chiến thắng. Có lẽ HLV R.Domenech cần phải điều chỉnh lại đội hình cho phù hợp nhằm cải thiện lối chơi của đội tuyển Pháp nếu không muốn lập lại “thành tích” bị loại ngay từ vòng bảng tại World Cup 2002. Không biết giờ này ông Domenech có nhớ đến Nasri hay không ?
Nhận định: Cục diện của bảng đấu này chắc chắn phải chờ đến lượt trận cuối cùng mới biết rõ 2 đội nào bước tiếp vào vòng 1/16.
Hàn Quốc – Hy Lạp 2.0
Tham dự World Cup với vị thế là nhà cựu vô địch Châu Âu 2004, không ai ngờ Hy Lạp giờ đây đã đánh mất hình bóng của mình một cách tệ hại đến như vậy. Vẫn lối chơi bóng bổng với những đường chuyền dài vượt tuyến vào trung lộ đã từng loại Pháp, Cộng Hòa Séc năm nào, vẫn HLV tài năng Otto Rehhagel ấy nhưng trước một Hàn Quốc với những cá nhân quá xuất sắc mà điển hình là Park Ji Sung, họ đã đầu hàng không điều kiện. 2-0 là tỉ số chưa phản ánh đúng cục diện trên sân.
Nếu Park Chu Young và Kim Jung Woo bình tĩnh hơn trong những pha đối mặt với thủ môn thì đáng lẽ ra, tỉ số phải là 5-0. Hàng tiền vệ và cả hậu vệ đá như mơ ngủ của Hy Lạp cũng là điều phải nói đến, khi họ đã để lộ khoảng trống quá nhiều mặc cho các tiền vệ của Hàn Quốc thoải mái băng lên, lối đá thực dụng của họ giờ chỉ còn là hư danh.
Argentina – Nigeria 1.0
Nhìn chung, ít nhiều Argentina cũng đã cho thấy họ xứng đáng có một chiếc vé ít nhất là vào đến tứ kết. Họ cũng đã cải thiện được nhiều vị trí, đặc biệt là Veron (dù năm nay anh đã 35 tuổi) và Gabriel Heinze. Tấn công nhiều nhưng dứt điểm quá vô duyên là 2 cụm từ để diễn tả Argentina trong trận đấu này.
Trước một Nigeria kém hơn mình về mọi mặt, Messi có thừa đất để phô diễn kỹ thuật cá nhân của mình nhưng đáng tiếc là thủ môn Enyeama của Nigeria ngày hôm đó đã quá xuất sắc khi một mình anh đã cản phá đến 3 cú sút vào góc hiểm của Messi. Tevez có một pha bóng đáng lẽ ra có thể tự mình dứt điểm nhưng lại chuyền cho Messi và Messi ngay lập tức đã bị 2 hậu vệ bên phía Nigeria kịp chạy về chặn bóng.Higuain đá nhợt nhạt và cũng không ít lần phung phí cơ hội. Chắc chắn ở trận đấu sau, HLV Maradona sẽ cho Milito vào sân ngay từ đầu.
Nhận định: Vé cho Hàn Quốc và Argentina là điều không phải bàn cãi.
Anh – Mỹ 1.1
Với chuỗi trận vòng loại khá ấn tượng, Anh bước vào VCK World Cup 2010 với tư cách đội được đánh giá khá cao về khả năng vô địch chỉ sau Brazil và Tây Ban Nha. Thật vậy, đội tuyển Anh dưới thời HLV Capello đã hoàn toàn lột xác và trình diễn thứ bóng đá tấn công tổng lực nhưng phòng thủ cũng hiệu quả cũng không kém. Trở lại với trận đấu, Ạnh có được bàn thắng dẫn trước từ khá sớm của Steven Gerrard sau pha chuyền bóng thông minh của Heskey.
Tưởng chừng như họ sẽ làm nên một cơn mưa vào bàn thắng vào lưới đội tuyển Mỹ nhưng thực tế không như vậy. Sau khi dẫn trước, Anh vẫn chơi chậm rãi, không dồn ép và vẫn chắc chắn, nhưng từng pha lên bóng của họ mà cụ thể là Aaron Lennon bên phía hàng lang cánh phải đều nhanh như tên bắn, tiếc là những đường tạt bóng vào trong của anh đều không chuẩn xác.
Nhìn chung chỉ có James Milner bên phía cánh trái của đội tuyển Anh là chơi dưới sức mình khi anh này thường xuyên để mất bóng. Cuối hiệp 1, thủ môn Robert Green của Anh đã để bóng trượt khỏi tay sau một cú sút khá đơn giản của Clint Dempsey và bóng đã đi gọn vào trong lưới. Chẳng biết đây là phải là do quỹ đạo bay khó chịu của quả bóng Jabulani hay không nhưng chắc chắn Green sẽ không còn được trọng dụng ở những trận đấu sắp tới. Ở lượt trận tới, Anh sẽ có sự trở lại của Gareth Barry nhưng theo mình, nên để Joe Cole đá sẽ có khả năng tạo đột biến cao hơn.
Algeria – Slovenia 0.1
Trận này chỉ có thể gói gọn trong 4 từ “nhạt như nước ốc” , bóng chỉ lởn quởn ở khu vực giữa sân và hầu như không có một pha bóng nào đáng xem. Đã thế còn thêm pha chơi bóng bằng tay trong vòng cấm địa khá lộ liễu của Ghezzal. Miễn bình loạn..
Nhận định: Với những gì đã thể hiện ở trận ra quân của cả bốn đội, dù rất muốn Slovenia – đất nước chỉ với vỏn vẹn 2 triệu dân được lọt vào vòng 2 để tạo nên một kỳ tích ở World Cup lần này (vì dù gì họ cũng đã có được 3 điểm quý giá) nhưng dường như là không thể. Cả 2 đội Algeria & Slovenia có lẽ sẽ “hứng” một cơn mưa bàn thắng từ Anh và Mỹ ? Chờ xem dự đoán của mình có đúng không !
Đức – Úc 4.0
Đức vẫn luôn là thế, mạnh mẽ, đẳng cấp, bản lĩnh & quyết đoán. Nên nhớ trong 6 kỳ World Cup gần đây nhất (1986 – 2006), Đức đã 3 lần vào đến chung kết. Một lần vô địch là vào năm 1990 tại Italia, 2 lần thất bại là trước các đối thủ Brazil (2002) và Argentina (1986) và hơn hết là chuỗi trận vòng bảng của họ ở các kì World Cup gần đây đều rất ấn tượng.
Những tỉ số cách biệt và những cú sút như sấm sét của Schweinsteiger, Podolski, Ballack v.v đã góp phần không nhỏ tạo nên hình ảnh một cỗ xe tăng Đức hủy diệt. Mình thì chẳng thể nào quên được pha dàn xếp đá phạt đẹp mắt vừa chạy đà vừa sút từ đường chuyền của đồng đội của Torsten Frings ở trận khai mạc World Cup 2006 giữa Đức với Costa Rica cũng như cú sút phạt như một trái rocket của Ballack tại Euro 2008.
Trở lại với trận đấu, dường như sự vắng mặt của tiền vệ đội trưởng Michael Ballack không là vấn đề gì đối với đội tuyển Đức. Với một đội hình trẻ (độ tuổi trung bình chỉ khoảng 24), Đức đã cống hiến một lối chơi tấn công toàn diện, từng đường lên bóng của họ đều rất sắc sảo, cánh cũng như trung lộ đều quá hoàn hảo.
Chưa kể những đường chuyền dài bất ngờ cũng như chọt khe được diễn ra với tốc độ chóng mặt khiến các hậu vệ của đội tuyển Úc dường như là bó tay. Đa dạng trong lối chơi khiến cho đội tuyển Đức ở thời điểm này thật khó bị bắt bài. Chúng ta hãy cùng dõi theo bước chân của đội tuyển Đức ở những vòng đấu tiếp theo, biết đâu họ sẽ đi đến trận cuối cùng như 8 năm trước?
Serbia – Ghana 0.1
Hàng thủ Serbia đã có một ngày làm việc vất vả trước đại diện đến từ Châu Phi – Ghana, mặc dù trước trận đấu họ được đánh giá là nhỉnh hơn. Với đội hình toàn những hảo thủ đang thi đấu cho các CLB lớn của Châu Âu như Stankovic, Vidic & Ivanonic v..v đặc biệt những cầu thủ này đều chơi tấn công rất tốt nhưng HLV Antic đã quá thận trọng khi cho Serbia chơi phòng ngự.
Điều này dẫn đến việc Ghana có cơ hội ào lên tấn công ngay từ những phút đầu tiên nhưng trước một hàng hậu vệ Serbia bọc lót cho nhau khá tốt nên Ghana đã không tìm được đường vào khung thành của thủ môn Stojkovic. Thế trận cứ giằng co qua lại cho đến hết hiệp 1. Mãi đến cuối hiệp 2, khi trung vệ Lukovic của Serbia nhận thẻ vàng thứ hai sau phạm lỗi thô bạo với Asamoah Gyan thì thế trận mới được cởi mở hơn. Và cũng chính Gyan đã lập công từ chấm phạt đền 11m đưa Ghana vượt qua Serbia một cách thuyết phục.
Nhận định: Ở trận đấu tiếp theo, dự đoán trước một đội tuyển Úc vừa gánh chịu thất bại cũng như tổn thất nặng nề (mất Tim Cahill do anh này đã bị thẻ đỏ trong trận gặp Đức), có lẽ Ghana sẽ vượt qua Úc để vào vòng 2 để cùng với Đức đi tiếp vào vòng 1/16.
Hà Lan – Đan Mạch 2.0
Với những cầu thủ có khả năng tấn công và gây đột biến cao như Sneijder, Robben, Van Bommel, Van Persie v.v, Hà Lan cũng được dự đoán là sẽ mang đến World Cup lần này một “cơn lốc màu da cam” thật sự. Với bộ đôi De Jong và Van Bommel đánh chặn ở giữa sân, dễ dàng nhận ra HLV Bert van Marwijk đề cao tính an toàn, chứ không còn tôn vinh sự bay bổng như thời Marco Van Basten ở Euro 2 năm trước.
Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao Hà Lan không thể áp đặt một thế trận tấn công như họ mong muốn và nhiều lần họ để Đan Mạch vùng lên tấn công đáp trẻ. Tuy vậy, họ cũng không quá khó khăn để có được chiến thắng cách biệt trước một Đan Mạch chơi phòng ngự co cụm nhằm tìm một trận hòa ngay trận ra quân.
Trước World Cup, nhiều người đã nói đến việc các đội bóng sẽ đề cao lối chơi thực dụng của Mourinho, Hà Lan hôm nay cũng đề cao tính kỉ luật như thế, nhưng biết đâu họ đang giấu bài?
Nhật Bản – Cameroon 1.0
Một trấn đấu quá tẻ nhạt và không có nhiều điều để nói. Một Nhật Bản chơi phòng ngự thận trọng với đội hình 4-5-1 và một Camerooon không còn hính bóng của “Những chú sư tử bất khuất”. Cả 2 đội đều trình diễn một lối đá thiếu sức sống. Eto’o phải thường xuyên lui về để lấy bóng và cũng chính anh phải tự tạo cơ hội cho riêng mình.
Một mình anh không thể tạo nên đột biến. Trở lại với đội Nhật Bản, những đường phối hợp nhỏ như cho có của họ đã góp phần làm cho trận đấu này trở thành “thảm họa” của VCK World Cup lần này. Pha bóng đáng chú ý duy nhất và cũng là bàn thắng đó của đội Nhật Bản được ghi do công của Honda khi anh chạy chạy chỗ thông minh thoát xuống sau pha kiến tạo của Matsui.
Nhận định: Lượt trận tới, Hà Lan chắc chắn sẽ thắng Nhật Bản để giành chiếc vé đầu tiên vào vòng 1/16. Còn trận Đan Mạch và Cameroon, trường hợp nếu Đan Mạch thắng, họ sẽ quyết chiến với Nhật Bản ở lượt trận cuối để tìm ra đội lọt tiếp vào vòng knock-out . Giả sử nếu Đan Mạch thua, họ sẽ bị loại và Cameroon sẽ có nhiều cơ hội vì họ sẽ chỉ gặp Hà Lan đã chắc suất đi tiếp. Nhật Bản nếu muốn vào vòng knock-out thì chắc chắn họ phải có được một chiến thắng trước Đan Mạch và ngóng chờ kết quả bên trận Cameroon – Hà Lan. Nhưng theo mình, Nhật Bản sẽ đi tiếp.
Ý – Paraguay 1.1
Với trận hòa ngay ngày đầu ra quân, các nhà ĐKVĐ Italia hẳn khiến không ít các tifosi thất vọng. Ý chủ động tấn công dồn dập nhưng hoàn toàn bó tay trước các hậu vệ cao to của Paraguay. Cũng phải nói thêm rằng, họ đá thiếu sáng tạo và không tạo được sức ép lên phía khung thành của thủ môn Villar.
Phút 39′, trong một pha lên tham gia tấn công từ một tình huống cố định, trung vệ Antolin Alcaraz đã bật cao đánh đầu hiểm hóc mang về bàn thắng mở tỉ số cho Paraguay. Rất may De Rossi đã cứu Italia một bàn thua trông thấy khi anh có một pha đệm bóng cận thành từ pha đá phạt góc của Pepe vào giữa hiệp 2.
New Zealand – Slovekia 1.1
Bàn thắng quý như vàng của Winston Reid ở những phút bù giờ cuối cùng đã cướp đi chiến thắng của Slovekia. Nhưng đâu cũng là cái phận, có bàn thắng dẫn trước, họ lại không gia tăng sức ép mà lại đá cầm chừng, và lại có phần chủ quan và họ đã phải trả giá. Không có nhiều điều để nói về trận đấu này. Kết quả hòa 1-1 đẩy hai đội vào tính thế khó khăn vì họ sẽ phải gặp hai đối thủ già dơ Paraguay và Italia ở 2 lượt trận cuối.
Honduras – Chile 0.1
Honduras hoàn toàn lép vế trước đại diện đến từ Nam Mỹ – Chile. Bằng khả năng di chuyển nhanh, lối chơi kỹ thuật với các pha bóng ngắn, Chile đã áp đảo toàn diện Honduras. Bàn thắng đến với Chile từ pha đệm bóng của Beausejour sau đường căng ngang của Isla ở phút thứ 34′.
Qua hiệp hai, Chile vẫn đẩy cao đội hình nhưng tiền đạo của họ lại dứt điểm quá hiền. Tỉ số 1.0 nghiêng về Chile được giữ nguyên cho đến hết trận. Với kết quả này cục diện bảng đấu sẽ trở nên rất hấp dẫn khi Tây Ban Nha đã bất ngờ để thua Thụy Sỹ.